Tin tức thị trường
Trong báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales, USDA thông báo:
– Đã bán 132,000 tấn đậu tương niên vụ 2021/22 cho Trung Quốc.
– Đã bán 260,000 tấn đậu tương niên vụ 2021/22 cho quốc gia giấu tên
* Điều kiện các hợp đồng bán hàng được thể hiện trong báo cáo Daily Export Sales:
- Từ 100,000 tấn trở lên đối với các hợp đồng bán đậu tương, khô đậu, ngô và lúa mỳ trong cùng một ngày.
- Hoặc 200,000 tấn trở lên đối với các hợp đồng bán đậu tương, khô đậu, ngô và lúa mỳ trong một khoảng thời gian nhất định.
- Riêng đối với dầu đậu tương, khối lượng này lần lượt là 20,000 và 40,000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Tin chính
- NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/06, các mặt hàng nhóm nông sản trên Sở Chicago có ngày thứ 3 liên tiếp diễn biến trái chiều với nhau.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 đóng cửa có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 0.65% xuống 1291.75 cent/giạ. Việc để mất mốc hỗ trợ tâm lý quan trọng 1300 đã khiến cho lực bán liên tục gia tăng trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên đơn hàng 392,000 tấn đậu tương của Mỹ bán cho Trung Quốc và một quốc gia giấu tên đã giúp giá tăng trở lại vào cuối phiên.
Tại Trung Quốc, tồn kho khô đậu tương tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng vào tuần trước do việc thu mua chậm từ các công ty TĂCN. Ép dầu cũng giảm về dưới mức 2 triệu tấn do tồn kho lớn khiến giá khô đậu tương CBOT giảm rất mạnh 2.45%, xuống chỉ còn 350.8 USD/tấn Mỹ. Trong khi đó, xu hướng tăng của giá dầu thô và lo ngại về nguồn cung dầu thực vật đã kéo giá dầu đậu tương tăng mạnh vào phiên tối, sau khi đã giảm đáng kể trong suốt phiên sáng..
Giá ngô đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể, sau khi cũng đã giảm mạnh trong phiên sáng do thời tiết thuận lợi tại Midwest, nhưng tăng trở lại vào cuối phiên nhờ lực mưa kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 520.
Đối với lúa mì, thời tiết thuận lợi ở các khu vực gieo trồng của châu Âu và Úc, cũng với dự báo sản lượng gia tăng ở các nước sản xuất chính như Nga hay Argentina đã gây áp lực lớn lên giá lúa mì suốt phiên hôm qua.
- NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê trên hai sàn đóng cửa với diễn biến trái chiều. Giá Arabica giảm 0.32 về 153.4 cents/pound trong khi giá Robusta tăng 1.66% lên 1650 USD/tấn. Biến chủng virus Corona Delta có nguy cơ làm bùng phát đai dịch trong thời gian sắp tới, và rất có thể sẽ làm cho các nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Thêm vào đó, Cà phê ở Indonesia và Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, nên các chuyến hàng khó có thể tới được tay các công ty nhập khẩu đúng hạn. Nhờ vậy, giá Cà phê Robusta có thể duy trì đà tăng trong khi giá Arabica giảm nhẹ.
Giá đường tiếp tục tăng mạnh nhờ ảnh hưởng tích cực từ giá dầu thô. Trong khi đó, đồng Dollar duy trì ở mức cao tiếp tục gây sức ép lên giá cacao.
Giá bông giảm nhẹ trong phiên hôm qua khi các số liệu bán hàng và giao hàng tuần này trong báo cáo Export Sales đều giảm hơn 30% so với tuần trước.
- KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều quay trở lại với thị trường kim loại quý. Giá Bạc quay đầu giảm 0.23% về 26.05 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim tiếp tục duy trì được đà tăng với mức đóng cửa tăng 0.68% lên 1093.9 USD/ounce. Thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới làm suy yếu vai trò trú ẩn an toàn của các kim loại quý. Giá Bạc được dẫn dắt bởi giá Vàng cũng giảm trong phiên hôm qua. Ngược lại, giá Bạch kim đang được thị trường nhìn nhận ở mức rẻ nên lực mua vào mạnh thúc đẩy giá đi lên.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm 0.45% về 4.311 USD/pound, giá Quặng sắt cũng giảm 1.27% về 206.74 USD/tấn. Sau những phiên tăng liên tiếp trong thời gian gần đây, phiên giảm hôm qua có thể là tín hiệu điều chỉnh đối với giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản. Bên cạnh đó, rất có thể những động thái kiểm soát giá hàng hóa của Chính phủ Trung Quốc cũng gây áp lực lên toàn thị trường.
- NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, dầu WTI tăng 0.3% lên 73.3 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.49% lên 75.56 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng với kỳ vọng về nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu khi thị trường chờ đợi cuộc họp mới của OPEC đầu tháng sau.
Các lời kêu gọi OEC+ gia tăng sản lượng khai thác khi giá dầu tăng liên tục gần một tháng khiến cho giá dầu WTI có lúc giảm xuống 72.4 USD/thùng trong tối hôm qua qua. Một số thành viên OPEC+ như Nga cũng đang rất quan tâm đến việc gia tăng sản lượng để tranh thủ nguồn thu.
Tuy vậy, giá bật tăng trở lại khi thị trường nhận định nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nguồn cung trong thời gian tới. Giới phân tích cho rằng rằng mức tăng sắp tới của OPEC+ sẽ chỉ dao động trong khoảng 500,000 – 700,000 thùng/ngày, trong khi dự báo cho thấy nhu cầu dầu thô thế giới có thể tăng từ mức 95.26 triệu thùng/ngày trong quý II/2021 lên 99.82 triệu thùng/ngày trong quý IV/2021. Như vậy, khả năng thiếu hụt nguồn cung trong năm nay vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đạt được bước tiến quan trọng với Đảng Cộng hòa về dự thảo chi ngân sách 1,2 nghìn tỉ USD để đổi mới cơ sở hạ tầng quốc gia. Mức chi kỷ lục này sẽ giúp cho ngành năng lượng và dầu khí nói chung được hưởng lợi rất nhiều.
Báo cáo của EIA tối qua cho thấy tồn kho khí tự nhiên tuần vừa rồi chỉ tăng 55 tỷ feet khối, thấp hơn dự đoán 66 tỷ khối của thị trường. Với dự báo nắng nóng trong suốt đầu tháng 7 và lượng tồn kho đang ở mức thấp dưới trung bình 5 năm, giá khí tự nhiên đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.
Tin thị trường chứng khoán
Phố Wall đồng loạt tăng điểm ngày hôm qua với Dow Jones tăng 0.95% lên 34196.82, S&P500 tăng 0.58% lên 4266.49, Nasdaq tăng 0.69% lên 14369.71. Nasdaq phá vỡ các đỉnh trong 3 phiên liên tiếp, cho thấy sức hút của các cổ phiếu tăng trưởng cao đang rất lớn. Trong khi đó S&P500 cũng lên mức cao nhất từ trước đến này nhờ các dữ liệu vĩ mô tích cực.
Nguồn MXV News