- Nông sản
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/06, thị trường nông sản tiếp tục có một phiên sụt giảm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi có đến 2 trên 5 mặt hàng đồng loạt giảm kịch sàn. Trong phiên hôm nay, giới hạn giá sẽ giữ nguyên ở mức 150 cents với đậu tương, 5.5 cents với dầu đậu tương và 45 USD với khô đậu. Giới hạn giá của ngô sẽ mở rộng lên mức 60 cents.
Đậu tương có một trong những phiên giảm mạnh nhất lịch sử, khi đã mất tổng cộng gần 120 cents khi kết thúc ngày hôm qua. Giao hàng đậu tương tuần này ở mức thấp nhất niên vụ trong khi đó, bán hàng đậu tương vụ mới chỉ đạt 6,500 tấn, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán. Tồn kho đậu tương của Trung Quốc cũng có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, lên mức 6.23 triệu tấn, khi ép dầu chậm lại và lượng hàng lớn từ Brazil cập cảng.
Dầu đậu tương và khô đậu tương đồng loạt giảm rất mạnh theo sự suy yếu của giá đậu tương. Việc đồng Dollar tăng lên mức cao nhất 2 tháng đã gây sức ép lớn lên cả thị trường dầu thô lẫn toàn bộ các mặt hàng nhóm đậu tương, và đẩy giá về lại mức kịch sàn phiên thứ 2 liên tiếp. Mức giảm mạnh này đã giảm bớt áp lực lên giá khô đậu tương, cùng với đơn hàng 135,000 tấn khô đậu của Mỹ bán cho Phillippine hôm qua, giúp cho mức giảm của mặt hàng này chỉ ở mức xấp xỉ 5%.
Ngô đã trải qua phiên giảm kịch sàn 40 cent ở 6 kỳ hạn gần nhất. Thời tiết vẫn là yếu tố chính đè nặng lên giá. Dự báo cho thấy mưa lớn sẽ xảy ra ở vùng Midwest trong vài ngày tới, giúp cải thiện chất lượng ngô ở đây đã ngay lập tức tác động “bearish” mạnh lên giá. Số liệu khá thất vọng về mức giao hàng của Mỹ và doanh số bán hàng ngô giảm 25% của Argentina trong tuần vừa qua là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngô trên thế giới đang dần hạ nhiệt đã tạo áp lực lớn lên giá.
Có thể bạn quan tâm
Lúa mì cũng giảm mạnh gần 4%, về mức 639 cent/giạ do ảnh hưởng từ diễn biến chung của thị trường. Tuy nhiên, các đơn hàng lúa mì từ những nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Hàn Quốc là yếu tố hạn chế đà tăng khiến giá không giảm mạnh như các mặt hàng ngũ cốc khác trong nhóm nông sản.
- NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê Arabica đóng cửa giảm mạnh 2.48%, xuống 149.55 cent/pound, thấp nhất kể từ cuối tháng 5 đến nay. Thời tiết có mưa trở lại tại Brazil cùng việc xuất khẩu được nối lại tại Colombia tiếp tục là các yếu tố gây sức ép lên giá. Tiến độ thu hoạch tại Brazil hiện đã đạt 34%, tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm nhẹ so với mức 36% trung bình 5 năm gần đây.
Ca cao và cà phê Robusta đồng loạt suy yếu khi đồng Dollar tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch giá giữa 2 mặt hàng cafe đang thu hẹp dần từ đầu tháng đến nay, giúp giảm bớt sức ép lên giá Robusta.
Đường là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nguyên liệu công nghiệp ngày hôm qua, với mức giảm lên đến gần 3%, về mức thấp nhất kể từ 20/04 đến nay. Thời tiết có mưa trở lại tại miền nam Brazil, trong khi các quỹ đầu cơ hiện không muốn mua vào do tâm lý lo ngại sau biên bản họp FOMC của Fed. Bán hàng đường niên vụ 22/23 của Brazil hiện đã hơn 1 triệu tấn, tương đương 20.9% sản lượng dự kiến.
- KIM LOẠI
Thị trường kim loại quý trải qua một phiên biến động mạnh khi giá của Bạc và Bạch kim đều đồng loạt lao dốc. Giá Bạc giảm mạnh 7.03% về 25.856 USD/ounce, giá Bạch kim cũng đóng cửa với mức giảm 7.59% về 1055.2 USD/ounce. Việc FED cho biết có thể nâng lãi suất sớm hơn dự báo trước đó khiến cho đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong hai tháng qua và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng 0.83% lên 91.89.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng và Quặng sắt diễn biến trái chiều. Giá Đồng giảm 4.72% còn 4.178 USD/pound, mức thấp nhất trong hai tháng. Đồng bạc xanh tăng giá cũng làm cho Đồng trở nên kém hấp dẫn hơn. Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch “giải phóng” Đồng từ kho dự trữ quốc gia để tăng nguồn cung và đưa giá hàng hóa trở lại mức bình thường cũng là yếu tố làm cho giá suy giảm. Trái lại, Quặng sắt là điểm sáng của toàn bộ thị trường hàng hóa khi vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 1.62% lên 209.12 USD/tấn. Đà tăng tiếp tục được nối dài nhờ vào tin tức sản lượng thép thô hàng tháng ở Trung Quốc cao kỉ lục và nhu cầu thép có thể tiếp tục tăng mạnh để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã sản xuất 99.45 triệu tấn thép thô trong tháng 5.
- NĂNG LƯỢNG
Giá các mặt hàng dầu thô đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua. Lo ngại lực cầu tái xuất hiện sau khi số ca nhiễm mới Covid-19 ở Anh tăng mạnh, kèm với đó là sản lượng từ Iran có thể quay lại thị trường. Giới phân tích ước tính Iran có thể tăng sản lượng thêm 1 – 2 triệu thùng/ngày nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
USD tăng giá, lên cao nhất kể từ giữa tháng 4 sau khi Fed phát tín hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt hơn với nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác, ảnh hưởng lực cầu.
Đàm phán gián tiếp Mỹ – Iran về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang gần đồng thuận hơn bao giờ hết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần đàm phán. Giới thương nhân cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 18/6 có thể ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân với Mỹ, khiến các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, là yếu tố hạn chế mức giảm đối với giá dầu trong phiên hôm qua.