- NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa với các mức tăng giảm trái chiều nhau. Đáng chú ý nhất vẫn là sự phục hồi mạnh mẽ của dầu đậu tương, sau khi đã bị điều chỉnh rất mạnh trong tuần trước.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 đóng cửa với mức tăng nhẹ 0.48% lên mức 1319.25 cent/giạ. Đơn hàng lên đến 456,000 tấn đậu tương của Mỹ bán cho Trung Quốc cùng một quốc gia giấu tên là yếu tố chính hỗ trợ giá trong phiên hôm qua. Đây cũng là đơn hàng lớn trong ngày đầu tiên của đậu tương kể từ 19/05 đến nay.
Khô đậu tương cũng có gapdown và suy yếu trong suốt phiên sáng, sau đó bật tăng mạnh khi bước vào phiên tối do mặt hàng này chủ yếu đi theo giá đậu tương, tuy nhiên lực bán kỹ thuật ở vùng kháng cự 380 cùng diễn biến tăng mạnh của giá dầu đậu tương đã gây áp lực ngược lên giá khô đậu trong suốt khoảng thời gian sau đó.
Còn đối với dầu đậu, bất chấp việc giá dầu cọ Malaysia giảm nhẹ khi mà sản lượng của nước này trong 20 ngày đầu tháng 6 được hiệp hội thương mại SSPOMA ước tính tăng 13.4%, giá dầu đậu tương vẫn tăng vọt đến 3.5 cent trong đầu phiên tối nhờ lực kéo của giá dầu thô thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Ngô là mặt hàng dẫn đầu xu hướng giảm của toàn nhóm nông sản với mức giảm mạnh 1.63%. Theo công ty tư vấn GCMA, Mexico dự kiến sẽ nhập khẩu 18 triệu tấn ngô trong năm nay, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, chính phủ nước này sẽ giảm nhập khẩu 2 triệu tấn ngô trong trung hạn do tốc độ nhập khẩu ngô ngày càng tăng một cách đáng lo ngại.
Lúa mì giảm không đáng kể 0.11% trong phiên hôm qua. Giao hàng lúa mì tuần này của Mỹ cũng giảm so với báo cáo trước và cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, MARS cũng đã nâng dự báo năng suất từ 5.91 tấn/ha lên 6.01 tấn/ha trong năm nay, cao hơn 5.6% so với mức trung bình 5 năm. Những thông tin trên đã tác động “bearish” lên giá mặt hàng này, tuy nhiên tác động giảm giá đã bị hạn chế do triển vọng nhu cầu nhập khẩu từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng lên.
- NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Đóng phiên giao dịch hôm qua, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt tăng. Giá Arabica tăng 1.38% lên 154.05 cents/pound, giá Robusta đóng cửa với mức tăng không đáng kể lên 1617 USD/tấn. Giá Cà phê được hưởng lợi tư việc tăng giá của đồng Real cùng với ảnh hưởng tích cực khi dòng vốn lại được rót vào các thị trường đầu tư. Tuy nhiên, thị trường không có biến động quá mạnh do có dấu hiệu chờ tin tức.
Giá đường tăng mạnh trở lại 2.46% sau khi giảm về mức thấp nhất 2 tháng, nhờ ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá dầu thô.
Giá bông cùng cacao tăng không đáng kể, nhờ sự suy yếu của đồng Dollar. Thị trường không có nhiều thông tin cơ bản mới trong đầu tuần này, khiến cho các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp không có sự thay đổi quá lớn.
- KIM LOẠI
Sắc xanh đã quay trở lại với thị trường kim loại quý khi giá Bạc tăng 0.22% lên 26.025 USD/ounce, đồng thời giá Bạch kim cũng tăng 0.92% lên 1050.6 USD/ounce. Đồng USD suy yếu khiến cho giá của các mặt hàng kim loại quý được hưởng lợi. Chỉ số Dollar Index giảm 0.35% còn 91.9 điểm.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá của Đồng và Quặng sắt diễn biến trái chiều. Giá Đồng tăng 0.65% lên 4.184 USD/pound khi giới đầu tư tiếp tục mua vào mạnh do chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kiểm soát giá cả của Trung Quốc. Chuyên gia của Citibank nhận định, chính phủ Trung Quốc chỉ mới nhắm vào các đối tượng đầu cơ trên thị trường chứ chưa thực sự giải quyết bài toán mất cân bằng cung cầu. Ngược lại, giá Quặng sắt giảm 4.77% còn 196.94 khi tâm lý chốt lời vẫn còn được lan tỏa trên thị trường cùng với sự lo lắng khi các quy định mới về quản lý giá cả hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay.
- NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi triển vọng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới trở nên rõ ràng hơn. Kết thúc phiên giao dich, giá WTI tăng 2.57% lên 73.12 USD/thùng và giá Brent tăng 1.89% lên 74.9 USD/thùng.
Theo Bank of America (BofA), giá dầu có thể sẽ đạt mức 100 USD/thùng trong năm tới khi nhu cầu đi lại bùng nổ. Mặc dù đã có một số tổ chức, nhà đầu tư nhắc đến mức giá này, phát biểu của BofA là dự báo chắc chắn nhất từ trước đến giờ.
Về cơ bản, triển vọng gia tăng nhu cầu nhiên liệu trên thế giới vẫn còn khá cao và đang khiến cho nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trở nên rõ ràng hơn. Theo khảo sát của Reuters, dự kiến tồn kho dầu thô nhiên liệu của Mỹ trong tuần kết thúc 18/06 giảm 3.6 triệu thùng, đánh dấu tuần thứ 5 liên tiếp tồn kho dầu giảm.
Ngoài ra, đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ tạm ngừng cũng giúp củng cố tâm lý thị trường: Thái độ cứng rắn của tổng thống Iran mới với Mỹ khiến cho triển vọng Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu với Iran suy yếu. Ngoài ra, giá USD giảm cũng làm tăng sức hấp dẫn của các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh, hỗ trợ đà tăng của dầu ngày hôm qua.Trong khi đó, giá khí tự nhiên tiếp tục giảm khi dự báo nhiệt độ 15 ngày tới tại Mỹ có thể sẽ giảm dần, trong khi sản lượng đang tăng lên.