Khi tham gia vào thị trường hàng hóa phái sinh, nhà đầu tư cần có được sự hỗ trợ từ các công cụ phân tích để nhận định biến động về giá cả. Ngoài phân tích kỹ thuật để đưa ra nhận định từ các chỉ báo trên biểu đồ (điều này chắc hẳn đã quá quen thuộc với những nhà đầu tư tài chính), thì phân tích cơ bản cũng là 1 công cụ hữu hiệu để nhà đầu tư nắm bắt được xu hướng, từ đó đưa ra các chiến lược và phương pháp giao dịch hiệu quả.
Khái niệm
Phân tích cơ bản là phương pháp dựa trên các dữ liệu từ thị trường hàng hóa như tin tức về kinh tế vĩ mô, các số liệu báo cáo (sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, thời tiết, mùa vụ …) để từ đó nhận định về tình hình cung – cầu và đưa ra dự đoán xu hướng giá trong tương lai của các loại hàng hóa.
Vì thế, công cụ này được hiểu ngắn gọn là dự đoán giá cả hàng hóa dựa trên cơ sở phân tích cơ bản giữa cung và cầu hàng hóa.
Cung
Cung là số lượng hàng hóa mà người bán có khả năng bán và sẵn sàng bán tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
Cung thị trường là tổng lượng hàng hóa, dịch vụ mà tất cả những người bán trên thị trường (tổ chức, cá nhân) có khả năng bán và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.
Cầu
Cầu là số lượng hàng hóa mà người mua mong muốn và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
Cầu thị trường là tổng lượng hàng hóa, dịch vụ mà tất cả những người mua trên thị trường (tổ chức, cá nhân) mong muốn và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.
Có thể bạn quan tâm
Trạng thái dư thừa và thiếu hụt
Bất kỳ một yếu tố nào tác động đến cung cầu cũng có thể gây ra sự thay đổi trong giá cân bằng. Khi thị trường chưa kịp thời điều tiết hoặc không thể điều tiết được (do can thiệp của chính phủ, tổ chức) thì trạng thái dư thừa hoặc thiếu hụt sẽ xảy ra.
Dư thừa, hay còn gọi là thặng dư cung, tức là lượng cung lớn hơn lượng cầu tại một mức giá mà mức giá đó lớn hơn mức giá cân bằng (PE).
Thiếu hụt, hay còn gọi là thặng dư của cầu, lúc đó lượng cầu lớn hơn lượng cung tại một mức giá nhỏ hơn giá cân bằng (PE).
Khi xuất hiện 1 trong 2 trạng thái trên thì thị trường sẽ tự có cơ chế để điều tiết. Người mua và người bán sẽ điều chỉnh hành vi của mình theo lợi ích và kết quả là thị trường quay lại trạng thái cân bằng. Xu hướng chung của thị trường là khi dư thừa thì giá sẽ bị kéo xuống và khi thiệu hụt thì giá sẽ được đẩy lên.
Những yếu tố ảnh hưởng đến Cung – Cầu
Một trận động đất ở Chile – nhà sản xuất Đồng lớn nhất thế giới, có thể khiến cho giá của kim loại này tăng đột biến. Hạn hán ở Mỹ có thể khiến năng suất thu hoạch ngô và đậu nành bị giảm sút, thu hẹp nguồn cung của những mặt hàng nông sản này.
Trong năm 2005 và năm 2008, một loạt những cơn bão đã tấn công vào bờ biển Louisiana của Mỹ và làm hỏng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên khiến giá khí đốt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Ngoài ra, chính trị là một yếu tố không thể không nhắc đến. Đã rất nhiều lần lịch sử ghi nhận những biến động rất lớn của giá dầu thô khi những cuộc chiến tranh nổ ra ở khắp nơi và đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, một trong những nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, khiến cho lo ngại về nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến giá cả của các mặt hàng năng lượng tăng lên đỉnh điểm.
Các chính sách từ những cuộc thảo luận của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh do Nga đứng đầu về sản lượng sản xuất và trữ lượng tồn kho cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện tại là những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến cung cầu dầu thô. Từ đó, dẫn đến sự điều chỉnh mạnh về giá cả của nhóm hàng hóa này.
Từ những ví dụ kể trên, chúng ta có thể nhận ra rằng: Thời tiết, khí hậu, mùa vụ, dịch bệnh hay các chính sách kinh tế vĩ mô và những yếu tố chính trị … có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến Cung – Cầu của hàng hóa.
Kết luận
Cung – Cầu và giá cả hàng hóa luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, đó chính là yếu tố quyết định đến giá cả của hàng hóa. Từ những phân tích cơ bản về cung cầu, chúng ta có thể xác định được xu hướng của các loại hàng hóa trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Đọc thêm về: