Hàng hóa, ví dụ nông sản (ngô, gạo, đậu tương…) sau khi người nông dân sản xuất ra có thể được bán cho thương lái hoặc người có nhu cầu. Đó được gọi là mua bán vật chất hoặc giao ngay (mua bán hàng hóa trực tiếp tại thời điểm hiện tại).
Tuy nhiên, theo nhu cầu phát triển của tự nhiên, con người sáng tạo ra các công cụ giao dịch khác để nhằm giảm thiểu rủi ro những sự kiện trong tương lai không biết trước. Ví dụ, trước mỗi vụ gieo trồng, với mục đích có đủ nguồn cung sản phẩm trong 03 – 05 tháng sắp tới người thương lái có thể ký hợp đồng trước với nông dân về việc bao tiêu sản phẩm với sản lượng và giá cả cụ thể. Bất kể khi tới thời điểm thu hoạch giá thị trường biến động ra sao các bên vẫn phải tuân thủ giá cả và sản lượng được ghi cụ thể trong hợp đồng. Đó được gọi là thị trường tương lai (thị trường phái sinh hàng hóa).
Vậy phái sinh hàng hóa là một công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một loại tài sản cơ sở (hàng hóa cơ sở – ví dụ ngũ cốc, coffee, cao su…)
Thị trường của hàng hóa phái sinh có thể giao dịch phi tập trung (OTC) hoặc giao dịch tập trung qua Sở giao dịch hàng hóa. Một số Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như:
Sàn Chicago (CBOT – Mỹ), thành lập năm 1848 là sàn giao dịch Forwards và Futures lâu đời và lớn nhất thế giới.
Ngày 12/07/2007 CBOT hợp nhất với Chicago Mercantile Exchange (CME) tạo thành CME Group chuyên giao dịch các sản phẩm ngũ cốc, kim loại màu, tỷ giá, lãi suất, bitcoin…
CBOT là sàn có khối lượng giao dịch đậu tương, khô đậu và ngô chiếm đa số khối lượng giao dịch toàn thế giới. Vì thế giá CBOT là giá tham chiếu mua bán hàng thực.
CBOT có 02 phiên giao dịch chính là Phiên Á chỉ giao dịch điện từ và Phiên Mỹ bao gồm giao dịch điện tử và giao dịch tại sàn.
Thành phần tham gia sàn CBOT
- Hedger (Người muốn phòng vệ rủi ro): Là đối tượng có nhu cầu thực tế đối với hàng hóa cơ sở (nông dân, nhà máy sản xuất…). Thành phần này tham gia thị trường hàng hóa phái sinh nhằm mục đích phòng vệ rủi ro từ biến động giá trong tương lai. Ví dụ, người nông dân trồng ngô vào tháng 5 và sẽ thu hoạch vào tháng 9 cùng năm. Vì sợ trong tương lai giá ngô sẽ giảm nên họ bán hợp đồng phái sinh ngô đáo hạn vào tháng 9 ở mức giá tháng 5. Trong tương lai (tháng 9) cho dù giá thực tế của ngô thế nào thì họ vẫn bán được sản phẩm của mình với giá đã ký kết trong hợp đồng.
- Speculator (nhà đầu cơ): Không có nhu cầu thực tế với hàng hóa cơ sở. Họ tham gia giao dịch hàng hóa phái sinh nhằm thu lợi nhuận từ biến động giá.
- Artbitrager: Thực hiện các chiến lược kinh doanh chênh lệch giá.
Sản phẩm trong giao dịch phái sinh hàng hóa
Hàng hóa cơ sở là những sản phẩm nông nghiệp hoặc nguyên liệu công nghiệp, năng lượng…
- Nông nghiệp: Ngô, đậu tương, lúa mì…
- Nguyên liệu công nghiệp: Cao su…
- Kim loại: Bạc, đồng, quặng sắt…
- Năng lượng: Dầu thô, khí đốt, gas…
Chia sẻ: