Các nhà sản xuất toàn cầu đang đối mặt nhiều khó khăn từ tình trạng giá hàng hóa tăng, phí vận tải biển tăng và nguồn cung bán dẫn khan hiếm, dấy lên lo ngại rằng lạm phát toàn cầu sắp bùng nổ trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Giá kim loại đồng, một kim loại cực kỳ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đã tăng 80% trong năm qua lên 4.88 UScents/ib, dẫn đầu đợt tăng giá nguyên liệu thô – từ gỗ cho đến quặng sắt đều lên cao nhất nhiều năm.

Ngày 6/5, chỉ số của Cục Nghiên cứu Hàng hóa trụ sở New York, đo lường xu hướng giá của nhiều loại hàng hóa khác nhau lên cao nhất kể từ tháng 9/2011, tăng 55% so với tháng 3/2020. Trong khi đó, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tăng 10 tháng liên tiếp, lập đỉnh lịch sử trong tháng 3.

Hàng hóa đang tăng giá và lạm phát có thể xảy ra trên hầu khắp các châu lục, các chuyên gia lo ngại điều này có thể khởi nguồn cho một chu kỳ siêu tăng mới trong lịch sử kinh tế nhân loại.

Các gói kích thích kinh tế được đưa ra cùng việc triển khai vaccine Covid-19 tại những nền kinh tế phát triển càng làm gia tăng triển vọng lực cầu phục hồi mạnh, đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa. Trước nguy cơ chi phí tăng, những nhà sản xuất hàng tiêu dùng tại Mỹ như Coca-Cola và Procter & Gamble gần đây thông báo kế hoạch tăng giá một số sản phẩm ở thị trường nội địa, gia tăng lo ngại áp lực từ phía cung đang chuyển sang bên cầu.

Giá nguyên liệu thô tăng còn châm ngòi lo ngại lạm phát. Câu hỏi quan trọng đối với giới lập chính sách và nhà phân tích thị trường là liệu đợt tăng giá này ngắn ngủi hay kéo dài và liệu tình trạng lạm phát cao có thể xảy ra hay không.

Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) – đo biến động giá hàng hóa trao đổi giữa các công ty khai khoáng và nhà sản xuất, cũng là một thước đo lạm phát theo quan điểm của nhà sản xuất – những tháng gần đây tăng nhanh. Cụ thể, PPI tháng 3 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất kể từ tháng 7/2018. Xu hướng này càng được củng cố trong tháng 4, khi giá than, thép, xi măng và thủy tinh đều tăng mạnh.

Hầu hết đều nhất trí rằng PPI còn tăng trong quý II nhưng họ bất đồng về việc xu hướng này sẽ chuyển sang phía người tiêu dùng thế nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng đầu tiên trong năm nay nhưng vẫn còn xa mới đến mức cảnh báo.

Chia sẻ:

Bình luận