[ Phiên 17/05 ] Năng lượng và kim loại tăng cao
- NÔNG SẢN
Sau phiên thứ 2 đầu tuần, giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu tại Sở Chicago diễn biến trái chiều.
Giá đậu tương tăng không đáng kể 0.08% lên 1587.50 cent/giạ. Giá biến động quanh mức giá mở cửa do thiếu đi các thông tin có thể hình thành xu hướng giá rõ ràng. Bên cạnh đó, nguồn cung đậu tương vẫn đang bị thắt chặt đối với cả đậu tương vụ cũ và vụ mới với tốc độ bán hàng chậm của nông dân tại Nam Mỹ. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại Mỹ được dự báo được dự báo sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn từ nay cho tới tháng 9. Điều này đã khiến các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phải quay sang tìm kiếm nguồn cung từ Brazil.
Giá dầu đậu tương sau khi test lại đường xu hướng tăng từ ngày cuối tháng 4 đã bật tăng mạnh 2.06% lên 68.97 cent/pound. Tuy nhiên, việc thiếu đi sự xuất hiện của những yếu tố cơ bản mới đã khiến giá chịu sự áp đảo từ lực bán kỹ thuật tại vùng kháng cự 70.00 và quay đầu giảm trở lại. Qua đó, tạo áp lực trái chiều khiến giá khô đậu tương giảm 0.86% về 414.9 USD/tấn Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Giá ngô tháng 7 tăng 1.36% lên 652.50 cent/giạ nhưng lại giảm với các tháng xa, do lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Dự báo thời tiết tại khu vực miền nam Brazil sẽ khá khô ráo trong tuần này. Thêm vào đó, số ngô trồng muộn còn phải đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn nếu như thời tiết sương giá trong thời gian tới, do đó, xác suất giá ngô sẽ giảm sâu trong ngắn hạn là không cao.
Đối với lúa mỳ, các yếu tố thời tiết đã đè nặng lên giá lúa mỳ trong phiên hôm qua, khiến giá giảm 1.06% về 699.75 cent/giạ. Cụ thể, mưa được dự báo sẽ xuất hiện tại hầu hết các khu gieo trồng chính tại Mỹ, đối với cả lúa mỳ vụ xuân và vụ đông. Trong khi đó, giá lúa mỳ tại Pháp cũng đã giảm trong phiên đầu tuần do các nông trại lúa mỳ tại nước này dự kiến cũng sẽ nhận được lượng mưa tốt hơn trong tuần này.
- CÔNG NGHIỆP
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/05, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.
Giá Arabica tăng 0.52% lên mức 145.75 cent/pound, trái chiều với mức giảm không đáng kể 0.07% của Robusta về mức 1459 USD/tấn. Đối với cà phê Robusta, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện trở lại tại các khu vực gieo trồng cà phê của Ấn Độ trong khi thời tiết tại Tây Nguyên cũng được đánh giá khá tốt, vẫn sẽ là các yếu tố tạo sức ép lên giá. Còn về cà phê Arabica, đà tăng của đồng Reais, Brazil so với đồng Dollar đã hạn chế phần nào hoạt động bán hàng của nông dân và là yếu tố hỗ trợ giá trong ngắn và trung hạn.
Trong khi đó, giá đường đang trong giai đoạn tích lũy sau liên tiếp những phiên giảm mạnh trong tuần trước. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn là yếu tố hạn chế đà tăng. Đóng cửa, giá đường tháng 7 tăng 0.18% lên 16.99 cent/pound.
Đối với ca cao, lượng mưa thấp hơn bình thường tại các đồn điền ca cao của Bờ Biển Ngà trong tuần trước, theo một số người dân tại đây, đã làm giảm kích cỡ hạt ca cao và làm gia tăng lo ngại về chất lượng của mùa vụ ca cao năm nay, giúp giá tăng rất mạnh 2.63% lên 2539 USD/tấn.
Giá bông chỉ giằng co quanh mức giá mở của trong phiên đầu tuần do thiếu đi những yếu tố cơ bản mới giúp xác định hướng giá. Đóng cửa, giá bông giảm 0.13% về mức 82.32 cent/pound.
- NĂNG LƯỢNG
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/05, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng. Dầu thô WTI tăng 1.38% lên 66.27 USD/thùng trong khi dầu thô Brent tăng 1.09% lên 69.46 USD/thùng. Sau khi giảm nhẹ vào đầu phiên sáng, lực mua kỹ thuật đã giúp giá quay đầu tăng tuy nhiên vẫn đang bị kìm lại ở vùng kháng cự 66.30. Đây cũng là nơi 2 đỉnh gần nhất được hình thành, do đó nếu phe mua có thể đẩy giá lên khỏi vùng này thành công thì có thể dầu thô WTI sẽ tiến tới 68.00 – 69.00.
Không chỉ vậy, kỳ vọng vào phục hồi kinh tế cũng thúc đẩy đà tăng. Việc các quốc gia lớn tại châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu gia tăng của Hoa Kỳ đã triệt tiêu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch ở Ấn Độ cũng như số liệu sản xuất thấp hơn dự kiến của Trung Quốc.
Giá xăng RBOB tăng 1.49% lên 2.1583 USD/gallon nhờ đà tăng của dầu thô.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh 5.0% lên 3.109 USD/mmBtu do dự báo thời tiết lạnh hơn dự kiến trong vòng 2 tuần tới, làm tăng nhu cầu sưởi ấm.
- KIM LOẠI
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/05, cả 4 mặt hàng trong nhóm kim loại đồng loạt tăng giá.
Giá bạc tăng mạnh 3.32% lên 28.274 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng 1.77% lên 1244.5 USD/ounce. Giá kim loại quý đã được hưởng lợi từ đà giảm của đồng USD khi chỉ số Dollar Index tiếp tục giảm 0.17% về mức 90.16 điểm.
Trong phiên tuần trước, cả hai kim loại này đều giảm bất chấp các dữ liệu đáng lo ngại về tình hình lạm phát của nền kinh tế Mỹ, thì đến tuần này, các nhà đầu tư bắt đầu thể hiện sự tin tưởng của mình vào kênh trú ẩn an toàn này. Chỉ số giá sản xuất PPI trong 12 tháng của Nhật Bản tăng 3.6% vượt 0.3% so với dự đoán cũng là yếu tố thúc đẩy giá. Ngoài ra, dòng vốn cũng được dịch chuyển một phần từ thị trường đầu tư rủi ro sang kim loại quý, khi phố Wall và các loại tiền số đều giảm.
Trong khi đó giá đồng tăng 1.22% lên 4.7115 USD/pound do lo ngại về nguồn cung từ rủi ro đình công tại các mỏ khai thác ở Chile. Mặt hàng kim loại cơ sở này đã tăng hơn 30% tính từ đầu năm nay và các nhà phân tích kỳ vọng rằng đà tăng vẫn còn có thể tiếp tục nhờ sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa cũng như do thị trường thâm hụt.
Giá quặng sắt cũng tăng trở lại 2.87% lên 207.53 USD/tấn khi sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng trước tăng lên mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 97.85 triệu tấn vào tháng 04/2021, tăng 4.1% so với tháng 03/2021. Sản lượng trong 4 tháng đầu năm cũng tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 374.56 triệu tấn.