Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital, ông Andy Ho cho biết trên CNBC, trong khoảng thời gian từ 12-24 tháng qua, thị trường bất động sản đã phát triển rất mạnh ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ chủ yếu là do lãi suất tiền gửi đang giảm và rất nhiều nhà đầu tư trong nước đang tìm kiếm các tài sản thay thế để đầu tư vào. Vì thế thị trường bất động sản, cũng như thị trường chứng khoán đều tăng trưởng mạnh”. Giám đốc này nói và dẫn chứng, thanh khoản thị trường đã tăng lên đạt khoảng 800 triệu USD/ngày, cao hơn rất nhiều so với năm trước.
Ông Andy Ho cũng giải thích thêm rằng, việc các nhà đầu tư chuyển từ giữ tiền trong ngân hàng sang đầu tư chứng khoán, bất động sản một phần cũng là do việc các nhà đầu tư trong nước còn gặp khó trong việc đầu tư ra nước ngoài. Có thể thấy, nhà đầu tư vẫn còn bị hạn chế về kênh để có thể đầu tư, chủ yếu họ vẫn xoay quanh các loại tài sản trong nước.
Khi được phóng viên CNBC hỏi: “Với tư cách là một nhà đầu tư, ông có quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam?”, ông Andy Ho cho biết: “Vâng, trong vài năm qua, chính phủ đã nỗ lực phối hợp để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, bằng cách cho phép các nhà phát triển được hưởng mức giá mua vào cao hơn, tạo ra lợi nhuận cao hơn cho các khoản đầu tư của họ”.
Kết quả là, chúng ta đã thấy sự gia tăng đáng kể về các nhà máy điện sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời cũng như các dự án năng lượng mặt trời áp mái. “Vì vậy, chúng tôi đã thấy một sự gia tăng đáng kể và tôi nghĩ đó là điều tốt” – ông nói thêm.
Trước đó, trên trang Nikkei Asia, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới tại Mirae Asset Securities cho rằng, đối với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam, sự gia tăng của các nhà đầu tư mới chứng tỏ việc sở hữu cổ phiếu đang trở thành một chuẩn mực.
Theo Nikkei, các nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết, làn sóng nhà đầu tư mới đang tràn ngập thị trường chứng khoán Việt Nam vì ba lý do: Lãi suất giảm, khiến người gửi tiền tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác; Người Việt Nam có nhiều tiền mặt hơn để đầu tư, từ những doanh nhân phải đóng cửa doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch đến thế hệ trẻ được thừa kế tài sản; và sự giãn cách xã hội trong năm qua, khiến mọi người luôn ở trong nhà và với chiếc điện thoại thông minh của họ. Những lý do này đã tạo cơ hội cho những người nhiều tiền mặt ở Việt Nam tìm hiểu thị trường chứng khoán.
Ông Lim Shiu Beng, Phó tổng giám đốc công ty môi giới SBBS, nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi chưa từng thấy làn sóng mở tài khoản ồ ạt nào như thế trước đây”.
Ngoài các kênh đầu tư truyền thống, hiện nay Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại hình đầu tư mà cá nhân có thể phân bổ nguồn tài chính cho mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Ngoài bất động sản và chứng khoán, các nhà đầu tư đang chuyển dịch sang các lĩnh vực khá mới có thể kể đến chứng khoán phái sinh, hàng hóa phái sinh,… Những lĩnh vực đầu tư mới không chỉ có sự tương đồng nhất định với những kênh truyền thống mà còn có những ưu điểm hơn như T+0, tính than khoản cao và môi trường minh bạch nhờ đó mà thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư mạo hiểm, luôn luôn tìm kiếm cơ hội.